|
|
Chanh bị thiệt hại nặng vì sâu đục vỏ trái - 19/11/2012 |
|
Huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre là địa phương có diện tích trồng chanh khá lớn với khoảng 1.000 héc-ta, tập trung ở các xã Lương Hòa, Lương Quới, Châu Bình, Long Mỹ…Cây chanh được nông dân nơi đây chồng chuyên canh và trồng xen trong vườn dừa nên đem về giá trị kinh tế khá ổn định. Đặc biệt, nếu xử lý ra trái vụ nghịch bán vào những tháng mùa nắng, cây chanh mang lại thu nhập rất cao cho nông dân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây trên cây chanh xuất hiện sâu đục vỏ trái gây thiệt hại đáng kể cho nhà vườn. |
|
Để bán được giá cao, nhiều năm qua, nông dân trồng chanh huyện Giồng Trôm đã áp dụng biện pháp xử lý ra hoa đậu trái nghịch vụ. Bà con tiến hành các khâu xử lý vườn chanh từ tháng 8 đến tháng 10 (dương lịch) để thu hoạch chanh bán vào tháng 2, tháng 4. Năng suất cây chanh vụ nghịch thường đạt thấp, nguyên nhân ngoài điều kiện thời tiết không thuận lợi còn bị nhiều loại côn trùng tấn công. Đặc biệt, khi hoa chanh trổ rộ cũng là thời điểm phát triển của sâu đục trái để đục vỏ trái non. Những năm gần đây, sâu đục vỏ trái đã gây thiệt hại nặng cho nhà vườn, nhiều vườn chanh bị thiệt hại trên 50% năng suất.
Anh Trần Văn Quan, ở ấp Bình Đông A, xã Châu Bình có 8 công đất trồng chanh xen trong vườn dừa. Anh xử lý chanh có trái quanh năm, nhất là cho ra trái vào mùa nghịch. Mỗi năm, anh Quan thu hoạch trên 10 tấn trái, đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, vườn chanh của anh bị sâu đục vỏ trái tấn công. Anh Quan lo lắng: "Những năm đầu, sâu chỉ tấn công vài tháng thời điểm cây chanh ra trái vụ nghịch. 2 năm trở lại đây, sâu đục vỏ trái xuất hiện trong vườn quanh năm. Đặc biệt là mùa nắng, sâu đục vỏ trái gây thiệt hại năng suất chanh từ 30 - 50%. Với đà này, tới đây có thể mức độ chanh bị thiệt hại do sâu đục vỏ trái còn tăng và nhà vườn chúng tôi sẽ bị thiệt hại nhiều hơn". Vườn chanh 1 héc-ta xen dừa của anh Nguyễn Văn Khoe cùng ở ấp Bình Đông A, xã Châu Bình cũng bị sâu đục vỏ trái gây hại nặng, làm anh mất đi một khoản thu nhập không nhỏ. Anh Khoe nói: "Nếu như cách nay khoảng 5 năm, mỗi năm tôi thu khoảng 12 tấn chanh, thì 2 năm nay do sâu đục vỏ trái gây thiệt hại, tôi chỉ còn thu khoảng 8 tấn/năm. Tính ra tôi bị thiệt hại hàng chục triệu đồng mỗi năm". Dù bị sâu đục vỏ trái tấn công với mức độ thiệt hại ngày càng tăng, nhưng đa phần nông dân không biết cách phòng trừ- chỉ phun thuốc cầm chừng do chanh có gai, khó phun thuốc nên công tác phòng trừ không đạt kết quả.
Qua theo dõi của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Bến Tre, sâu đục vỏ trái chanh do một loài bướm có kích thước rất nhỏ, màu xám, chiều dài sải cánh khoảng 8mm khi sinh ra. Bướm hoạt động, bắt cặp và đẻ trứng vào chiều mát, lúc chập tối. Trứng được đẻ trên chùm bông hoặc trái non. Trứng mới đẻ có màu trắng trong, có dạng hình tròn, nhìn từ bên ngoài giống như túi tinh dầu trên vỏ trái. Ấu trùng có màu xanh ngọc. Mùa nắng tỷ lệ sâu đục vỏ trái xuất hiện nhiều và gây hại mạnh hơn ở mùa mưa. Một con bướm cái có thể đẻ vài chục đến vài trăm trứng. Sau khi nở thành sâu non sẽ đục vào trong phần vỏ của trái, ăn phần mô mềm của vỏ, làm cho vỏ trái chanh phồng lên thành một xoang rỗng. Sau khi hoàn thành giai đoạn phát triển, sâu chui ra ngoài, kéo một lớp tơ mỏng làm kén và hóa nhộng trong kén trên những lá gần nơi trái bị đục hoặc ngay cả trên trái. Sâu tấn công khi trái còn rất nhỏ, vết đục tạo nên những u sần trên trái, nếu bị nặng trái sẽ rụng. Nếu sâu tấn công trễ hơn, trái sẽ phát triển bình thường nhưng bị biến dạng - khi lớn trên trái có vết sẹo rất to, xấu xí, giá trị chanh thương phẩm giảm mặc dù chất lượng trái không bị ảnh hưởng vì sâu chỉ ăn phần vỏ mà không đục trong phần múi. Sâu chủ yếu tấn công và gây hại giai đoạn trái non ở thời điểm từ 1 - 2 tuần tuổi sau khi trổ hoa.
Kỹ sư Hồ Văn Lập, Phòng Nghiệp vụ khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Bến Tre, cho biết: "Sâu đục vỏ trái là loài sâu hại rất khó phòng trừ vì đa số nông dân chỉ phát hiện khi chúng đã đục vào trong, vỏ trái đã bị u sần và nông dân không loại bỏ trái đã bị đục đem tiêu hủy nên có nhiều lứa sâu phát triển gây hại cho những đợt trái kế tiếp và đợt sau thường bị hại nặng hơn đợt trước. Do đó, ở những vùng bị nhiễm sâu đục vỏ trái cần áp dụng biện nhiều pháp tổng hợp. Nông dân cần thăm vườn thường xuyên để phát hiện phun thuốc khi bướm bắt đầu đẻ trứng hoặc giai đoạn sâu mới gây hại khi trái vừa tượng hình. Thu gom những trái bị nhiễm tiêu hủy để diệt sâu hiện diện trong trái. Ở những vùng thường xuyên bị nhiễm sâu đục vỏ trái có thể sử dụng các nhóm thuốc trừ sâu sinh học như Abamectin, Emamectin, Methytamine avermectin… để phun khi vừa tượng trái non, phun liên tiếp 2 đến 3 lần, mỗi lần cách nhau 5 đến 7 ngày. Khoảng 1 tháng sau khi tượng trái thì sâu không còn phá hại nữa. Nếu thấy nhộng của sâu trên lá khoảng 5 - 7 ngày sau nhà vườn cần phun thuốc phòng trừ để ngăn chặn sự bộc phát của thế hệ sau". |
CAO DƯƠNG |
Theo Báo Cần Thơ |
|
|
|
|
|
|
NHẬN XÉT BÀI VIẾT |
|
|
|
|