Đặc điểm sinh học của kiến vương trải qua 4 giai đoạn sau: trứng, ấu trùng, nhộng và thành trùng. Sau khi vũ hóa và giao phối, con cái tìm đến các đống xác bã thực vật, phân gia súc đẻ từ 30-100 trứng vào đó; trứng nở ra ấu trùng (sùng) sử dụng xác bã thực vật làm thức ăn, đến khi đẫy sức thì hóa nhộng, thời kỳ nhộng kéo dài từ 25-43 ngày thì lột xác biến thành kiến vương. Kiến vương có tập tính ăn thêm rất mạnh và đọt dừa là món ăn khoái khẩu của chúng. Vị trí tấn công phổ biến là kẻ bẹ tàu dừa thứ 2-4. Ban đầu là vết đục ngang, sau đó chúng tiếp tục đục thẳng xuống hướng vào trung tâm ngọn dừa.
Từ vết đục của kiến vương, mùi dừa tỏa ra theo gió, kích thích đuông trưởng thành tìm đến đẻ trứng vào đó. Đuông con nở ra đục thẳng vào trung tâm ngọn (củ hủ), các đường đục lại tiếp tục tỏa mùi kích thích các đuông trưởng thành khác đến đẻ trứng tiếp vào các vết đục của đuông đã ăn trước đó. Hậu quả là cây dừa bị rất nhiều đuông con với nhiều lứa tuổi khác nhau tấn công, đến khi chủ vườn phát hiện thì hầu như cây dừa đã không còn khả năng cứu chữa.
Ngoài vết đục của kiến vương, đuông còn thích đẻ trứng vào các vết nứt ở gốc dừa trong thời kỳ dừa nở gốc (dừa 2-5 năm tuổi), hay các vết thương trên ngọn do cắt nhen hoặc lúc thu hoạch dừa vô ý gây ra.
Từ tập tính gây hại của đuông và kiến vương và qua thực tiễn, chúng tôi rút ra các biện pháp phòng trị đạt hiệu quả cao như sau:
1. Quét vôi kín phần gốc dừa tơ giai đoạn dừa 2-5 năm tuổi, để chống đuông đẻ trứng vào các vết nứt. Trước khi quét vôi, nên làm sạch phần định quét và phun thuốc Regent hoặc Padan để ngừa trị đuông đã đẻ trứng trước vào các vết nứt.
2. Cắt 2 mét lưới bén, loại lưới 2 phân (cm) quấn kín vào 8 nách lá trên cùng, nhằm chống kiến vương và đuông tấn công ngọn dừa. Sau mỗi tháng cần leo lên dời lưới quấn lên các kẻ bẹ mới nở bên trên.
3. Dùng cát to hoặc sỏi nhỏ đổ đầy các kẻ bẹ bên dưới phần lưới bao, để chống đuông đẻ trứng vào gốc các tàu dừa. Có thể tạo ra sỏi nhỏ bằng cách dùng cát thường trộn xi măng thành vữa hồ, thêm ít nước để hỗn hợp vừa kết dính rồi sàng qua lưới cỡ 0,5-0,8 cm.
4. Phun thuốc Regent + Aliette vào các vết đục của kiến vương để ngừa đuông và bệnh thối ngọn .
5. Tránh gom để thành các đống xác bã thực vật thành lớp dày trên 20 cm, để chống kiến vương đến đẻ trứng.
6. Khi phát hiện dừa mới bị đuông tấn công, dùng 1 gói Regent 800 WG loại 0,8 gam hoà với 50 ml nước lắc cho tan đều, rồi rót vào các lỗ đục của đuông, thuốc sẽ ngấm vào thân cây giết chết đuông con. Sau 1-2 ngày kiểm tra, nếu không còn nghe tiếng ăn là đuông đã chết. Tiếp tục rắc khoảng 10-20 gam Aliette vào các vết ăn của đuông để ngừa bội nhiễm bệnh thối thân.
7. Biện pháp phun hoặc rắc thuốc trừ sâu định kỳ để phòng ngừa sự tấn công của kiến vương và đuông có hiệu quả thấp, thời gian hữu hiệu ngắn, kết quả không ổn định, nên không khuyến cáo áp dụng.
Trên đây là một số giải pháp, xin nêu ra để bà con trồng dừa có thể áp dụng. Chúc bà con bảo vệ tốt vườn dừa của mình./. |