|
|
Phòng trừ rệp sáp hại tiêu - 02/08/2012 |
|
Rệp sáp hại tiêu (Pseudococus spp): Rệp sáp thường xuất hiện vào mùa nắng, lúc dịch cây đậm đặc, là loại sâu hại nguy hiểm nhất đối với cây tiêu. |
|
1. Đặc điểm hình thái
Rệp cái trưởng thành hình bầu dục, không cánh, dài 2,5-5mm, ngang 2-3mm, màu hồng, thân phủ lớp sáp trắng, quanh thân có một tia sáp dài trắng xốp. Rệp đực trưởng thành dài khoảng 1mm, màu xám nhạt, có một đôi cánh mỏng. Rệp trưởng thành hầu như không di chuyển, di chuyển từ nơi này sang nơi khác nhờ kiến sống cộng sinh. Rệp đẻ hàng trăm trứng và nở con dưới bùng. Rệp non mới nở màu hồng, hình bầu dục, di chuyển tìm nơi sống cố định, vài ngày sau trên mình xuất hiện lớp bột sáp trắng và tua sáp ở phía đuôi.
2. Tập tính sinh sống và đặc điểm sinh vật học:
Chúng chích hút nhựa cây làm cho lá chồi non, bông, trái, lá nhỏ, lá có màu xanh vàng không đều, cây còi cọc suy nhược dần.
Sau khi rệp sáp tấn công một thời gian thì các loại nấm bồ hóng bám vào làm đen lá và gié hoa, gié trái.
Rệp sáp thường xuất hiện vào mùa nắng, lúc dịch cây đậm đặc, là loại sâu hại nguy hiểm nhất đối với cây tiêu.
Ngoài ra, kiến đỏ, kiến đen tha rệp đi chui xuống đất bám vào hút dịch ở gốc thân, cổ rễ, mật số rệp tăng dần lên theo thời gian. Khi rệp phá hại lâu ngày ở rễ, chúng cộng sinh với loài nấm Bornetina ở trong đất, sợi nấm kết thành lớp dày tạo thành những khối u lớn có bề mặt xù xì màu trắng xám gọi là măng xông bao quanh các đoạn rễ, bên trong có rất nhiều rệp đủ lứa tuổi đang bám chặt vào mặt rễ đã bong tróc hết lớp vỏ để chích hút. Rễ bị hại nặng, cây tiêu cằn cỗi, lá vàng, ra hoa ít héo dần và chết do bộ rễ bị phá hủy, do không còn khả năng hút nước và chất dinh dưỡng nuôi cây.
Ở Lâm Đồng rệp sáp thường xuất hiện từ tháng 11 đến tháng 7 năm sau.
Rệp thường gây hại nặng vào tháng 3 và tháng 6, gây hại nặng ở các vườn tiêu ít tưới nước vào mùa khô từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau.
3. Biện pháp phòng trị:
- Dọn sạch cỏ dại thường xuyên, nhất là trong mùa mưa và phát quang bụi dậu xung quanh vườn.
- Thường xuyên cắt tỉa tạo tán làm cho trụ thoáng mát. Tỉa bớt cành của choái sống (nọc sống) trong mùa mưa để đảm bảo độ thông thoáng trong vườn.
- Bón phân cân dối NPK và phân hữu cơ tạo diều kiện cho cây tiêu khỏe.
- Bảo tồn các loại thiên địch trong vườn tiêu như nhện các loại, ong các loại, kiến vàng, chim sâu, bọ rùa đỏ, chuồn chuồn các loại,....
- Tưới nước đầy đủ trong mùa khô từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau ít nhất là 1 tháng 3 lần đối với trụ chết và trụ xây, 1 lần đối với trụ là cây sống.
- Khi rầy phát triển ở mật số cao nên dùng các loại thuốc như: Confidor, 700WG; Tungatin 3,6 EC, 10 EC, Motox 2.5EC, 5EC, Tungmectin 1.9 EC, Tungcydan 60EC phun theo liều lượng khuyến cáo trên nhãn mác. |
Theo Chi Cục BVTV tỉnh Lâm Đồng |
|
|
|
|
|
|
NHẬN XÉT BÀI VIẾT |
|
|
|
|