|
|
Căng Thẳng Dịch Bệnh Cây Trồng - 27/07/2012 |
|
Năm nay ở các tỉnh phía Nam, trong khi dịch bệnh trên cây lúa được khống chế tốt, thì trên nhiều loại cây trồng khác, dịch bệnh lại rất căng thẳng, trong đó, xuất hiện nhiều dịch hại nguy hiểm mới. |
|
Nhiều dịch hại nguy hiểm mới
Theo TS Nguyễn Hữu Huân, Phó Cục trưởng Cục BVTV, trong 6 tháng đầu năm, trên cây sắn, cây ăn trái có múi và cây dừa ở các tỉnh Nam bộ đã xuất hiện thêm các loại dịch hại mới, rất đáng lo ngại. Cụ thể ở các huyện Dương Minh Châu, Tân Châu và TX Tây Ninh (Tây Ninh) đã xuất hiện rệp sáp bột hồng gây hại trên cây sắn. Loài rệp này từng gây hại trên cây sắn ở các nước châu Phi, châu Mỹ. Tháng 4/2006, lần đầu tiên nó được phát hiện trên cây sắn ở Thái Lan và đã trở thành đối tượng dịch hại nguy hiểm, khó phòng trừ.
Đến nay, ngoài Thái Lan, ở khu vực ĐNA, rệp sáp bột hồng đã xuất hiện ở Campuchia và Lào, gây thất thu tới 25% sản lượng sắn. Trước tính chất nguy hiểm của loài rệp này đối với cây sắn, nên dù diện tích sắn ở Tây Ninh bị nhiễm còn khá nhỏ (gần 80 ha, trong đó 13 ha nhiễm nặng từ 30 - 70%), nhưng ngày 3/7 vừa rồi, Bộ NN-PTNT đã phải ra Công điện khẩn số 10/CĐ-BNN-BVTV về việc cấp bách phòng chống rệp sáp bột hồng hại cây sắn ở Tây Ninh.
Hiện nay, Cục BVTV đã phối hợp với tỉnh Tây Ninh tổ chức tập huấn, hướng dẫn và chỉ đạo khoanh vùng, tiêu hủy toàn bộ cây sắn ở khu vực bị nhiễm rệp, nghiêm cấm vận chuyển các bộ phận của sắn (thân, lá) từ vùng bị nhiễm đi nơi khác.
Ở các tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, từ tháng 4 năm nay, đã có thông báo về việc xuất hiện loại sâu đục các loại trái cây có múi như bưởi, cam sành và chanh. Theo PGS.TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện CĂQ miền Nam, đây là đối tượng dịch hại mới, trước đây chưa từng có ở nước ta. Nó đục thẳng vào trái cây của các loại cây có múi nói trên. Trái nào bị sâu đục là phải bỏ.
Thống kê của Cục BVTV cho thấy đến nay diện tích cây có múi ở Sóc Trăng và Hậu Giang bị nhiễm loài sâu này đã lên tới 2.591 ha, trong đó 1.504 ha bị nhiễm từ 20 - 70%, 47 ha nhiễm trên 70%. Hiện Cục BVTV đã thông báo về việc xuất hiện và ban hành quy trình tạm thời hướng dẫn phòng trị sâu đục trái trên cây có múi cho các Chi cục BVTV nhằm hạn chế sự gây hại của nó và giải tỏa nỗi lo lắng cho nông dân.
Trên cây dừa ở 11 tỉnh, TP gồm: Tây Ninh, Bình Dương, TP HCM, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau trong năm nay cũng đã xuất hiện đối tượng dịch hại mới là bọ vòi voi với tổng diện tích nhiệm là 755 ha. Tỉnh có nhiều diện tích nhiễm nhất là Trà Vinh 303 ha, tiếp đến là Sóc Trăng 206,9 ha, Tây Ninh 164,7 ha... Tỷ lệ nhiễm bệnh phổ biến từ 1 - 5%, nơi cao đến 80% số trái dừa bị hại.
TS Nguyễn Hữu Huân cho hay loài bọ vòi voi đục thẳng vào trái dừa, làm cho trái dừa bị rụng. Còn theo GS.TS Nguyễn Thị Thu Cúc (ĐH Cần Thơ), bọ vòi voi phân bố ở nhiều nước và lãnh thổ Châu Á như Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Đài Loan và Thái Lan. Khi trưởng thành là côn trùng bộ cánh cứng màu nâu đen, cánh trước có 2 đốm vàng ở đầu và cuối cánh.
Chúng sống ở nơi tiếp xúc giữa hai trái hoặc gần cuống trái, sống bằng cách đục thành đường hầm trong vỏ trái. Trứng được bọ vòi voi đẻ trên vỏ trái gần cuống trái hoặc bên trong vỏ trái, ở là nơi có sẵn đường hầm do ấu trùng phá hại trước đó. Bọ vòi voi hoạt động mạnh lúc chiều tối. Trong mỗi trái dừa bị hại thường có 3 - 5 con bọ vòi voi trưởng thành.
Trái dừa bị bọ vòi voi gây hại thường có nhựa chảy ra từ vết đục, nhựa có màu trong suốt rồi ngả dần sang màu vàng, vàng nâu rồi khô cứng. Tại nơi vết nhựa chảy ra thường có kèm theo phân bọ vòi voi. Trái dừa non sẽ bị rụng nếu bị bọ vòi voi gây hại, còn nếu trái dừa từ trên 3 tháng tuổi trở lên mới bị loài bọ này đục vào thì trái sẽ bị méo mó, không phát triển được.
Loay hoay với bệnh chổi rồng
Cũng theo Cục BVTV, bệnh chổi rồng đang tiếp tục gây hại nặng nề trên cây nhãn ở Nam bộ. Đến nay đã có 14 tỉnh, TP có diện tích nhãn bị bệnh chổi rồng với diện tích nhiễm là 29.211 ha, chiếm tới trên 63,5% diện tích cây nhãn của toàn vùng. Trong đó, diện tích nhiễm nặng là 20.933 ha, nhiễm trung bình 6.543,8 ha và nhiễm nhẹ chỉ có 1.743,6 ha.
Vĩnh Long là tỉnh có diện tích nhiễm nhiều nhất với 9.020,5 ha/diện tích nhãn là 10.472 ha, tiếp đó là Tiền Giang (6.270,7/7.775,2 ha), Đồng Tháp (4.224,8/4.501,7 ha), Sóc Trăng (3.095/3.305,4 ha)... Riêng tỉnh Trà Vinh có 1.978,5 ha nhãn thì toàn bộ đều bị nhiễm bệnh chổi rồng. Căn bệnh này đang gây thiệt hại về năng suất cho các vườn nhãn nhiễm bệnh từ mức thấp nhất là 10% tới mức cao nhất lên tới 90%.
Đến nay, đã có 7 tỉnh, TP có nhiều diện tích nhiễm nặng công bố dịch chổi rồng trên nhãn gồm Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ và Hậu Giang. Theo ông Nguyễn Hữu Huân, do thời gian công bố dịch của các tỉnh rất chênh lệch, nên hiệu quả phòng trị bệnh này trên toàn vùng chưa cao. Các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh và Đồng Tháp, diện tích nhiễm bệnh đã giảm trên 50% so với đầu kỳ. Trong khi nhiều tỉnh và TP còn lại vẫn còn đang lúng túng trong quá trình triển khai, chưa kiểm soát được số nhãn bị bệnh ngoài vùng dịch.
Hiện Cục BVTV đã lên kế hoạch thời gian tập trung phòng chống dịch bệnh chổi rồng trên nhãn ở Nam bộ, sẽ hoàn thành vào cuối tháng 8 tới. Ông Cao Văn Hóa, PGĐ Sở NN-PTNT Tiền Giang cho hay, tỉnh này đã thực hiện xong các khâu tập huấn, chuẩn bị thuốc... Đến 6/8/2012, Tiền Giang sẽ tổ chức ra quân đồng loạt cắt tỉa cành nhãn bị bệnh rồi phun thuốc đợt 1. Dự kiến sau 6 lần phun thuốc, đến tháng 10 năm nay, Tiền Giang sẽ tổ chức xử lý ra hoa trở lại cho các vườn nhãn bị bệnh.
PGS.TS Nguyễn Minh Châu cho rằng, để phòng trị bệnh chổi rồng triệt để, tốt nhất là dùng giống kháng. Hiện nay đã có giống nhãn xuồng cơm vàng kháng được bệnh chổi rồng. Tuy nhiên, theo ông Cao Văn Hóa, rất khó để nông dân chuyển từ giống nhãn tiêu da bò đang phổ biến hiện nay sang giống nhãn xuồng cơm vàng, vì nhãn tiêu da bò có năng suất cao hơn, lại ít nước hơn nhãn xuồng nên dễ dàng hơn khi làm nhãn sấy. Mặt khác, nhãn tiêu da bò lại đang được XK nhiều sang Trung Quốc.
Theo TS Nguyễn Hữu Huân, hiện nay 3 đối tượng dịch hại mới nói trên, chúng ta mới chỉ xác định được danh tính, còn quy luật phát sinh, phát triển của chúng ra sao, chúng phân bố ở đâu, hại những cây nào, thì còn phải chờ những nghiên cứu tiếp theo. |
Theo Nông Nghiệp Việt Nam |
|
|
|
|
|
|
NHẬN XÉT BÀI VIẾT |
|
|
|
|