|
|
Đài Loan: Ký sự chuyến du sát nghĩa tình và khám phá - 28/12/2016 |
|
Qua nhiều năm bức phá được vô vàn khó khăn của tình hình thị trường nhiều biến động, CPC cùng quí vị đối tác là các đại lý phân phối gần xa đã thu về nhiều thắng lợi trong sản xuất và kinh doanh. Để đánh dấu những cố gắng của nhau đồng thời phát triển và thắt chặt thêm thâm tình vốn đã có, CPC đã tổ chức một chuyến đi xa khám phá vùng đất lạ, gần nhưng chưa ai trong đoàn từng đặt chân tới : Đài Loan |
|
Đài Loan - một vùng lảnh thổ đã âm thầm xây dựng từ một đảo hoang giữa đại dương bao la với nhiều thổ dân xa xưa. Diện tích chỉ bằng 1/10 so với Việt Nam, 36.197 km vuông với 23,5 triệu dân. Trong điều kiện đa số là đồi núi (hơn 70%), đất đai nghèo dinh dưỡng, thiếu nước ngọt, bảo tố triền miên,… thành một vùng lảnh thổ có một sự phát triển hiện nay gần như hoàn chỉnh từng chi tiết nhỏ, GDP : 1.021,6 tỉ USD, bình quân đầu người : 43.599 USD.
Thầm lặng trên chuyến bay đêm hơn 3 giờ bằng phi cơ phản lực Boeing 737, vượt trùng khơi của Biển Đông từ vĩ độ 10độ 46’10” B lên đến vĩ độ 25 độ 02’B, chúng ta đã đến kinh đô Đài Bắc nằm trong vùng khí hậu ôn đới đại dương với nhiệt độ 13 độ C, có gió cấp 3-4 , làm mọi người có cái cảm giác lạnh buốt thú vị của những người chuyên sống vùng nhiệt đới nóng ẩm quanh năm.
Đến Đài Bắc, chúng ta được thưởng ngoạn một sân bay quốc tế rộng lớn và rất hoàn chỉnh các tiện nghi phục vụ cho các đoàn người đi và về rầm rập ngày đêm. Nơi đây, chúng ta phải tuân thủ chặt chẻ theo hướng dẫn để tránh bị lạc lối rất nhiêu khê nơi xứ lạ quê người. Thủ tục nhập cảnh mất khoảng 15 phút, đoàn rời sân bay lên xe ca đến điểm ăn điểm tâm và bắt đầu hành trình khám phá lảnh thổ Đài Loan.
Mọi chi tiết đều rất chặc chẻ : lên xe được giới thiệu về các biện pháp an toàn (giống như khi đi máy bay), đây là qui định an toàn của chính quyền. Ngồi trên xe ca phải thắt dây an toàn suốt lộ trình như đi máy bay.
Đoàn hành trình từ Bắc xuống Nam trên chiều dài của đảo, ghé tham quan các di tích, chùa chiềng, thắng cảnh tại các vùng tâm điểm của Đài Bắc, Đài Trung, Đài Nam (Cao Hùng). Trên đường đi, chúng ta có dịp thưởng ngoạn một hệ thống đường cao tốc từ Bắc xuống Nam gồm 3 tuyến, mỗi tuyến có 2 chiều, mỗi chiều có 3 làn xe với tốc độ khác nhau. Cứ thế xe cứ vun vút rất ngoạn mục. Các tuyến cao tốc nầy chẳng thấy “thu phí gì ráo” nên xe cứ lao đi với tốc độ đều đặn trãi dài.
Song song với 3 tuyến cao tốc đường bộ nầy là tuyến đường xe lửa điện cao tốc Bắc – Nam, chạy với tốc độ 300 km/giờ, đi từ B-N hoặc N-B chỉ mất 1,5 giờ (trong khi đi cao tốc đường bộ phải mất đến 4 giờ)
Đường xá trong đô thị thì rất sạch sẽ, không thấy rác, bao ni long, cát đất đóng ven vệ đường, tàn thuốc lá,…Thuốc lá thì chỉ được hút ngoài trời nơi không có bảng cấm vào có bố trí gạt tàn.
Giao thông công cộng có cả một hệ thống xe điện ngầm dưới mặt đất với nhiều nhà ga ngầm gần như là một thành phố nhỏ dưới mặt đất. Trên mặt đất thì có xe đạp cho thuê bằng cart dựng sẳn bên lề đường chẳng cần ai trông coi, cứ nhét cart vào là lấy đi và muốn trả chổ nào tùy thích.
Hai bên đường cao tốc, chúng ta có dịp mơ màng với cảnh đồi núi hữu tình liên tục thay đổi ẩn hiện , phải nói là phong cảnh Đài Loan rất đẹp, đẹp vì là vùng khí hậu ôn đới, cây cối xanh tươi và không có dấu hiệu tàn phai do con người, nhiều cây cối khá lạ lẩm với chúng ta vì khác khí hậu. Đây là vùng mà người dân có thói quen ăn trầu rất nhiều, nên cau được trồng rãi rác khắp nơi, giống cau ở đây cũng không giống cau của quê ngoại chúng ta, thân cây rất ốm không leo được phải hái bằng thang, tán lá nhỏ, trái nhỏ như cau kiểng, nhiều người dân làm giàu nhờ trồng cau. Họ chỉ ăn cau với vôi mà không có lá trầu như ta.
Ven đường, xen giữa những vùng rừng núi là những cánh đồng trồng lúa và hoa màu. Đồng ruộng ở đây phải nói là thâm canh hết mức : đất ruộng có cái gì trong đó người ta đã biết tường tận, nên khi cây trồng đứng trên đó người ta cho ăn như nuôi gia súc (trên nền đất đó, trồng cây gì, nhu cầu dinh dưỡng bao nhiêu, định kỳ cần,… ta cung cấp đúng lượng và đúng lúc). Nước tưới thì có hệ thống ống dẫn đến từng thửa ruộng (như cung cấp nước sinh hoạt, có đồng hồ đo lượng nước dùng). Một năm chỉ trồng 2 vụ, vụ thứ ba để trồng cây phân xanh nhằm trả lại độ phì nhiêu cho đất. Sau mùa trồng phân xanh, người ta cày vùi lấp và sau đó test lại dinh dưỡng của đất để hoạch định công thức ăn của cây trồng vụ sau. Những người chủ ruộng thì không phải một nắng hai sương, chân lấm tay bùn gì cả vì đã có các đội dịch vụ làm thuê hết các công đoạn bằng máy móc thiết bị, từ việc gieo trồng, bón phân, xịt thuốc, thu hoạch và cả mua bán sản phẩm. Người nông dân chỉ giám sát và ra ngân hàng nhận tiền bán sản phầm sau khi đã được cấn trừ các chi phí dịch vụ. Thế mới gọi là Công nghiệp hóa ngành Nông nghiệp ! Đất ít, nên người ta tuyển các giống cây chất lượng, có hiệu quả kinh tế cao mới được trồng, giống trà olong đặc biệt của họ trồng mà bán gần 100USD/100gr trà bột, chúng ta vẫn đang sử dụng các loại hạt giống F1 từ Đài loan đó sao, ít mà bán được nhiều tiền ! “Một nền nông nghiệp thật khôn ngoan” !.
Người dân Đài Loan, đa số theo đạo Phật, họ xây dựng Chùa Chiềng rất hoành tráng, chúng ta được đi thăm Phật Quang Tự quá ư là to tát, tọa lạc trên diên tích 500 Ha, không tài nào mà lội bộ giáp được, nơi đây có nhiều pho tượng rất to và quí hiếm. Công trình to tát mà được xây dựng rất tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ, phải xem rồi mới thấy sự kinh ngạc về sức người !
Đến Đài Loan, người dân theo Tưởng Giới Thạch, họ rất tự hào về Bảo tàng lịch sử cố cung, nơi đây được trưng bày vô vàn cổ vật của các triều đại vua chúa từ trong lục địa, từ vàng bạc, trân châu ngọc bích đến đồ gia dụng giải trí lớn nhỏ của các đời vua, các cổ vật nầy được Tưởng Giới Thạch thu gom từ đất liền sau khi phải di tản chiến thuật ra đảo năm 1947. Phải mất khoảng 3 tháng chúng ta mới có thể xem được hết các cổ vật nầy.
Đến hồ Nhật nguyệt với diện tích gần 8 km vuông nằm trên cao độ 748m, phía đông có hình tròn như mặt trời, phía tây lại cong như hình bán nguyệt nên người xưa đặt tên là hồ nhật nguyêt. Đến đây chúng ta được thưởng ngoạn một vùng mặt nước ngọt bao la với những chuyện thần thoại của thổ dân bản xứ, cũng là nơi thơ mộng để nhớ về mối tình huyền thoại Tưởng Giới Thạch-Tống Khánh Linh.
Trên hành trình nhiều ngày, đi nhiều, xem nhiều, mất nhiều năng lượng, nhưng anh chị em trong đoàn lúc nào cũng vui tươi thân ái. Cả đêm không ngủ ở sân bay và trên máy bay, nhưng anh chị em khi lên xe ca vẫn ca hát và hát rất sung, tất cả đều ca hát chẳng kể già trẻ, nam hay nữ, có người còn hát một mình nhiều bài, Chị Xuân Anh hát nhiều bài lột tả về quê hương Bến tre rất nồng nàn, Anh Phước Thành với nhiều tình khúc trử tình về miền Trung một thời đáng yêu, Chị Mùi và anh Chương thì tình ca cao nguyên, anh Xuân Tân, chị Kim Chi, anh Tiếp,.. hồi xưa giờ có nghe cất giọng oanh vàng đâu, giờ thì hát rất ư là mượt mà !
Trong suốt chuyến đi, chúng ta không hề nêu với nhau về những việc thường ngày như chỉ tiêu, kế hoạch cần đạt được, mua hay bán,…
Có lẽ nhờ không gian gần gủi, hữu tình và nên thơ. Có lẽ chúng ta đã cùng có nhiều thắng lợi! Có lẽ chúng ta đã được cùng nhau có chung môt sự đồng cảm mà mọi người đã gần được với nhau như thế!
Thế mới thấy một chuyến đi chung nhiều bổ ích và thỏa tình nhau !
CPC, 15.12.2016 – 19.12.2016
|
KS Võ Hùng Chí |
Theo CPC |
|
|
|
|
|
|
|
|
|