Trả lời:
Sâu đục thân mía và ngọn mía phá hại khá trầm trọng ở Việt Nam. Sâu có thể đục ở thân, ở ngọn hay cả thân lẩn ngọn làm chết mầm mía non, chết ngọn, làm chồi nảy mầm ở lóng phía dưới nên không sử dụng được nữa, thân dễ gãy, mất chữ đường và lỗ đục của sâu là cửa ngõ cho các loại nấm xâm nhập. Các loại sâu đục thân thường gặp là:
1.Sâu đục ngọn sớm (Sâu 5 vạch đầu đen) Chilotraea infuscatella. Sâu chỉ đục ăn phá khi ngọn mía chưa có lóng làm chồi ngọn chết khô nhưng phần dưới vẫn còn xanh. Sâu do 1 loại bướm nhỏ có cánh nhọn màu rơm đậm, đẻ trứng trên lá. Trứng nở ra sâu non màu vàng có 1 sọc đỏ chạy dọc suốt thân, sâu chỉ ăn phá trên mùa mía tơ.
2. Sâu đục ngọn mía (Sâu đục thân bướm trắng) Tryporyza nivella còn gọi là sâu đục thân mía màu ngà. Sâu đục mía ở thời kỳ mía cao khoảng 1 mét. Đọt mía bị sâu đục sẽ khô, vàng thối và lá trên đọt cuốn lại. Sâu do 1 loài bướm nhỏ màu bạc trắng, thân dài khoảng 2 - 2,5 cm. Ở cuối thân có chùm lông màu cam. Bướm đẻ trứng từng ổ ở đầu ngọn lá mía, ổ trứng có lông bao phủ. Trứng nở ra sâu non có lông lởm chởm màu xám. Nhộng cũng có chùm lông màu cam ở đuôi nên dễ nhận biết.
3.Sâu chấm (Sâu đục thân mía 4 vạch) Proceras sachariphagus. Con trưởng thành là 1 loại bướm nhỏ màu vàng nâu, cánh trên có chấm đen, cánh dưới màu trắng. Bướm đẻ trứng ở mặt dưới lá, làm thành 2 hàng chồng chất lên nhau. Trứng nở ra sâu non màu trắng có 4 sọc đen trên mỗi đốt. Sâu nở ra chui vào các khe hở của ngọn mía hay các bẹ của lá non để ăn gặm. Khi lớn đến độ 8 - 10mm thì đục các lóng gần ngọn và tiếp tục khoét dần vào các lóng, mía càng mềm thì lỗ khoét càng lớn. Lỗ khoét là cửa ngõ để nấm xâm nhập làm mía đỏ lên. Sâu chấm chỉ đục mía khi có tối thiểu 2 lóng rỏ rệt. Sâu có thể làm chết đọt, giảm tăng trưởng, giảm chữ đường. Mía tơ bị sâu đục nhiều hơn mía gốc, nhất là khi mùa nắng kéo dài.
4. Sâu hồng Sesamia inferens Wlk. Con trưởng thành là 1 loài bướm đêm, màu đen xám, có 2 sọc nâu và 1 chấm đen nâu nhỏ ở cánh trên. Thân mình dài 20 - 25mm màu hồng. Bướm đẻ trứng xếp thành hàng bên trong bẹ mía lá khô. Trứng nở ra sâu non màu hồng có 2 vệt nâu ở bên hông dài khoảng 30 - 40mm. Sâu theo nách lá đục vào trong các lóng. Sâu phá hại mía khi bắt đầu có lóng. Sâu làm nhộng giữa bẹ và lóng mía. Mía bị sâu hồng đục thường bị hại nặng nề. Thân mía rỗng ruột, khô chết đi khi đốn mía.
Sâu đục thân màu hồng phá hại cả lúa và mía
5. Sâu đục mắt mía (Sâu đục thân mình vàng) Eucosma Schistaceana Snell. Con trưởng thành là loài bướm nhỏ 10mm màu xám có viền trắng lợt. Sâu màu vàng lợt, đục phá các mắt mía và làm nhộng ngay ở mắt, làm mía dễ gãy khi có gió to. Sâu cũng ăn các lá non.
Phòng trừ:
- Nên cày lật sớm để chôn sâu, nhộng, bướm ở lá mía rụng. Không nên để mía gốc nhiều năm vì đó là nơi chứa chấp các sâu đục thân cho mùa sau
- Phun các loại thuốc như Anitox 50SC, Cazinon 50ND, Careman 40EC. Rải thuốc hột Cazinon 10H, Cagent 3G, Palm 5H
|