Sau hơn một năm gia nhập WTO, những lợi thế chưa được phát huy, thách thức và khó khăn chưa được hạn chế, nông dân lại phải đối mặt với nền kinh tế toàn cầu đang suy giảm, lạm phát trong nước tăng cao, đẩy giá hầu hết các mặt hàng đều tăng vọt, trong đó đáng kể nhất là giá vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất đang ngất ngưỡng ở đỉnh cao. Nông dân muốn sản xuất ổn định, tồn tại và phát triển cần phải áp dụng đồng lọat các biện pháp để tăng năng suất, tăng chất lượng nhưng phải giảm chi phí đầu vào. Đây là một vấn đề không phải dễ trong điều kiện giá thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón ngày một tăng cao như hiện nay. Giải pháp tốt nhất cho nông dân là áp dụng triệt để nguyên tắc bốn đúng trong sử dụng phân và thuốc.
Nguyên tắc thứ nhất Đúng lọai. Thế nào mới gọi là đúng lọai phân hay đúng lọai thuốc? Để sử dụng đúng phân bón cho cây trồng, điều đầu tiên cần quan tâm là trong thời điểm sử dụng, mục đích bón để làm gì? Tạo và nuôi củ, thúc đọt và nuôi lá, xử lý ra hoa hay nuôi trái…chính mỗi giai đọan có một lọai phân thích ứng, còn chi tiết hơn trong từng giai đọan lại có những thời kỳ khác nhau, như thời kỳ hình thành, lớn lên và ổn định (già, chín) thì cũng có từng lọai phân tương ứng, ví như phân đạm có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng, phân lân kích thích rễ, thúc đẩy hình thành mầm hoa; phân kali có vai trò ổn định, cải thiện chất lượng…còn đối với thuốc BVTV, để sử dụng đúng thuốc cần phải biết đối tượng gây hại cây trồng là gì ? sâu gì ?, bệnh gì ? thuộc nhóm nào bộ cánh cứng, cánh mềm, bào tử hay tơ nấm…cách gây hại của chúng ra sao? đụt cành, cắn lá, chích hút, cháy lá, thúi trái, xì mủ…từ đó mới chọn cho đúng thuốc để phòng hay trị. Có làm được như vậy mới mang lại hiệu quả sử dụng và cũng cần lưu ý chọn phân thuốc ít có ảnh hưởng đến môi trường và thiên địch.
Nguyên tắc thứ hai Đúng liều. Liều dùng là bao nhiêu? Hầu hết trên nhãn bao bì đều có hướng dẫn, nhưng biên độ quá lớn, như sử dụng từ 10-20 ml cho bình 8 lít. Khi nào thì dùng 10ml và khi nào thì dùng 20ml?. Xét về giá trị kinh tế nếu dùng 10ml thì giá chừng ấy, còn dùng 20ml thì giá lại tăng gấp đôi, nói về kết quả sử dụng, nếu dùng 10ml thì có diệt được đối tượng gây hại không? Quả thật là bài toán khó cho nông dân hiện nay. Tuy nhiên để dùng 10ml hay 20ml, trước hết cần xác định là ngừa hay trị? Nếu ngừa nên dùng ở liều thấp, bên cạnh đó cũng cần lưu ý thiết bị phun, phun bằng máy thì nên dùng liều thấp…Riêng đối với phân bón thì rất khó xác định được liều dùng nào mới đủ. Muốn làm được điều đó phải phân tích nhu cầu cây trồng cần để sản xuất ra 1 tấn lá làm rau, hoa hay quả…chúng lấy đi trong đất bao nhiêu dinh dưỡng, có được như vậy mới sử dụng đúng liều lượng phân bón. Tuy nhiên trong canh tác, nông dân cũng có thể tùy theo sức sinh trưởng, sức đậu và nuôi trái của cây trồng mà gia giảm lượng phân cho tương đối, bên cạnh đó cũng cần lưu ý điều kiện thổ nhưỡng và pH của môi trường đất.
Nguyên tắc thứ ba Đúng lúc. Lúc nào thì bón phân hay phun thuốc để mang lại hiệu quả cao nhất? Đối với việc bón phân, nên bón vào đầu giai đoạn hay đầu mỗi thời kỳ. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến điều kiện thời tiết, khí hậu lúc đó ra sao? Bởi chính những yếu tố này có tác động rất lớn đến quá trình hoạt động của lá, rễ. Nếu lá, rễ họat động kém thì khả năng sử dụng phân bón cũng kém. Do đó, bón phân trong điều kiện này cũng không phải là đúng lúc…Còn việc phun thuốc lúc nào để phòng ngừa trị được sâu bệnh tốt hơn? Điều này đòi hỏi nông dân phải làm tốt công tác dự báo, phải biết khi nào đối tượng gây hại sẽ đến, chúng đến bằng cách nào? nhờ gió, mưa, sương mù, nguồn nước sông hay do con người…nếu đến rồi thì phải biết chúng hoạt động ra sao? ban ngày hay ban đêm? gây hại ở giai đọan nào của cây?...có được như vậy mới chọn đúng thời điểm thích hợp để xử lý.
Nguyên tắc thứ tư Đúng cách. Một khi đã xác định được đúng phân, thuốc, pha đúng liều lượng và chọn đúng thời điểm để xử lý mà cách dùng lại không đúng thì làm giảm tối đa hiệu quả sử dụng. Trong sử dụng phân bón các nhà khoa học luôn luôn khuyến cáo khi bón phân hãy đào rãnh và bón vòng theo hình chiếu của tán cây, bỡi cây nhận được phân qua hệ thống lông hút của rễ, mà hệ thống lông hút lại tập trung ở gần đầu chóp rễ và tồn tại không quá 24 tiếng do quy luật phát triển của cả hệ thống rễ, bên cạnh đó phân khi bón vào đất phải có quá trình hòa tan, phân ly tạo các ion và bám vào keo đất. Do đó bón phân theo hình chiếu tán, để phân có thời gian hòa tan, rễ có thời gian tìm đến để hấp thu phân.
Nên bón phân ngoài chóp rễ
Đối với việc sử dụng phân phun qua lá sẽ không mang lại hiệu quả mà ngược lại sẽ làm tổn thương cây (cháy lá) nếu sử dụng không đúng cách. Lá cây trồng, ngoài chức năng quang hợp còn có vai trò thoát hơi nước qua hệ thống khí khổng, đó là những lỗ nhỏ li ti nằm phần lớn ở mặt dưới lá và cũng chính nơi đây mới có điều kiện hấp thu phân qua lá. Do đó khi sử dụng phân phun qua lá cần phải phun tập trung ở mặt dưới lá. Riêng việc sử dụng thuốc BVTV cần chú ý đến từng đối tượng gây hại trên từng bộ phận cây trồng mà có những cách sử dụng khác nhau, như rãi hay tưới thuốc quanh gốc, bôi (quét) thuốc nơi vết bệnh, phun…
Với việc sử dụng đúng 04 nguyên tắc trên, ngoài việc giảm tối đa chi phí đầu vào cho việc sản xuất hàng nông sản, còn tạo được một sản phẩm an toàn, sạch bệnh và không gây ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, để làm được điều này cần tăng cường tốt công tác khuyến nông để giúp nông dân có đủ kiến thức về quy luật phát sinh, phát triển của đối tượng gây hại; quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng, cũng như tác dụng của từng lọai thuốc BVTV, phân bón …Đặc biệt là công tác dự báo của ngành là hết sức cần thiết để nông dân biết mà chủ động phòng ngừa. |